Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Phát triển du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ: Không thể mạnh ai nấy làm!



Phát triển du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ: Không thể mạnh ai nấy làm! (14/05/2010)
Phat trien du lich cac tinh Bac Trung Bo Khong the manh ai nay lam
VH- Vừa qua, tại Nghệ An, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo Liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc miền Trung.
Tham dự hội thảo có đại diện Sở VHTTDL các tỉnh, thành: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, các doanh nghiệp du lịch  đến từ Thái Lan, Lào… và các công ty lữ hành trên cả nước.
Nhiều tiềm năng nhưng…
Vùng Du lịch Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế, là trung điểm nối giữa hai vùng du lịch Bắc Bộ và Nam Trung Bộ, có điều kiện giao thông thuận lợi. Ngoài ra, còn có nhiều tuyến đường bộ và cửa khẩu đi sang nước bạn Lào.
Vùng du lịch Bắc Trung Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết với các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, có thể đẩy mạnh hợp tác với nước bạn Lào, Thái Lan trong việc thúc đẩy phát triển du lịch đường bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) thì các tỉnh trong khu vực lại chưa có liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Mặc dù, có nhiều mô hình du lịch như: Hành trình kinh đô Việt cổ; Con đường di sản Miền Trung; Một ngày ăn cơm ba nước… nhưng lại không tiếp tục đầu tư, phát huy nâng cao chất lượng nên hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, ngoài Thừa Thiên – Huế là trung tâm du lịch lớn, tập trung lượng khách du lịch đến với khu vực Bắc Trung Bộ, các tỉnh khác  có các tài nguyên du lịch đặc sắc nhưng chưa phát huy được lợi thế tạo sức hấp dẫn với du khách.
Ngoài ra, rất nhiều điều kiện khách quan cũng đã ảnh hưởng lớn tới số lượng du khách đến với khu vực. Hoạt động du lịch của khu vực chỉ tập trung vào một vài tháng trong năm do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Vùng có nhiều gió Tây nóng, tập trung nhiều bão nhất cả nước, khí hậu mang tính chất chuyển tiếp, mùa đông lạnh, mùa hè nóng khô.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho rằng: những kết quả thu được từ các hoạt động du lịch chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại vùng ven biển. Đặc biệt là chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, năng lực cạnh tranh ra thị trường còn thấp.
Bên cạnh đó, theo đại diện Sở VHTTDL Hà Tĩnh, nguồn nhân lực làm du lịch còn yếu nên chất lượng dịch vụ còn kém, nhàm chán. Sự phối kết hợp giữa các ngành, các địa phương chưa tốt. Tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa trong du lịch chưa cao. Công tác quản lý du lịch còn nhiều yếu kém thể hiện trong việc quản lý quy hoạch ở các khu điểm du lịch, khu di tích chưa đồng bộ, chồng chéo.
Cần liên kết để cùng phát triển
Đứng trước những tài nguyên du lịch còn bị lãng phí, khai thác kém hiệu quả trong khu vực, các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng cần phải liên kết giữa các tỉnh trong vùng mang tính hệ thống và cần phải có một hướng đi thống nhất cho toàn vùng.
Theo đánh giá của PGS,TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), chương trình du lịch nằm trọn trong một địa phương thường thiếu sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn do vậy sẽ hạn chế thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch.
Việc phát triển du lịch từ phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch đến xúc tiến quảng bá du lịch… cần có sự liên kết thực sự, đi vào bản chất của các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo đại diện Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) thì việc phát triển du lịch Bắc Trung Bộ cần phải thống nhất xác định thị trường 86 triệu dân trong nước là căn bản cả trước mắt và lâu dài. Các sản phẩm du lịch không thể mạnh ai nấy làm. Càng không thể trùng lặp, đơn điệu, nhàm chán.
Cách khắc phục tình trạng này là cần liên kết để tìm ra một hướng đi thích hợp. Khảo sát sản phẩm theo định kỳ để từ đó chọn ra sản phẩm tiêu biểu nhất, hấp dẫn nhất đưa vào khai thác thử nghiệm để thu hút khách du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam đề xuất bốn nhóm giải pháp liên kết. Trong đó, Tổng cục Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lí du lịch địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Qua đó, thống nhất về quy hoạch phát triển vùng, khuyến khích đầu tư cho các dịch vụ còn thiếu và chưa đạt chất lượng, đặc biệt là hệ thống khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, điểm dừng mua sắm trên đường, các điểm giải trí ban đêm.
Chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn, cấp thẻ hướng dẫn tạm thời cho đội ngũ hướng dẫn tiếng Thái đã lớn tuổi, chưa qua trường lớp. Việc liên kết chặt chẽ giữa các địa phương cũng sẽ tiết kiệm được chi phí, giới thiệu được thế mạnh của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của miền Trung.
Vì vậy, để du lịch Bắc Trung Bộ phát triển đồng đều mà không lãng phí các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, liên kết để nối tour, kéo dài tuyến du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng cho toàn vùng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch.
Tạ Đình Dũng