Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Hội nhập văn hóa - Cơ hội và thách thức


QĐND - Để tồn tại trong một thế giới với vô số đặc điểm phức tạp, các quốc gia và dân tộc trên thế giới phải mở rộng hợp tác và giao lưu với nhau nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Xu thế phổ biến trên toàn thế giới hiện nay là mở cửa về nhiều mặt: Kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự và văn hóa... Đã qua rồi cái thời mà tầm nhìn chúng ta chỉ hạn chế trong đường biên giới quốc gia.
Những di sản văn hóa thế giới đã đi vào lòng mọi người và được trân trọng tự hào. Những địa danh như: Vịnh Hạ Long, Ăng-co Vát, Chùa Vàng, Kim Tự Tháp, Tượng Nữ Thần Tự Do… luôn là biểu tượng gần gũi đối với mọi người trên hành tinh. Trong bất cứ xã hội tiến bộ nào, văn hóa thông tin cũng luôn là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa thông tin là nhịp cầu nối liền sự tiến bộ của các quốc gia với nhau và sự hội nhập các nền văn hóa, các khu vực và toàn thế giới sẽ tạo nên một hành tinh hòa bình, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và tiến bộ.
Trên thế giới, ở đâu có con người, thì ở đó có văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc, được hun đúc, xây dựng bằng bề dày lịch sử mà chủ nhân sáng tạo ra nó là các thế hệ con người nối tiếp nhau. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện thông tin hiện đại đã giúp cho thế giới xích lại gần nhau một cách nhanh chóng hơn. Đặc biệt, công nghệ truyền thông internet đang phát triển như vũ bão, tạo nên những siêu lộ thông tin có dung lượng lớn và tốc độ cao, chuyển tải mọi thông tin một cách nhanh chóng. Sự bùng nổ thông tin toàn cầu vừa là vận hội lại vừa là thách thức.
Chúng ta đang từng bước hội nhập toàn diện, trong đó có hội nhập văn hóa với khu vực và thế giới, nhưng trong thực tế, thách thức mới đã và đang đặt ra cho chúng ta trong giai đoạn mở cửa hiện nay cách tiếp nhận cũng như việc quản lý lãnh đạo, chỉ đạo công tác này như thế nào? Thách thức thì phải có giải pháp: Các nhà lãnh đạo văn hóa-thông tin phải đi trước một bước, phải có sự tính toán kỹ lưỡng nhằm tháo gỡ và ngăn chặn những nguồn thông tin độc hại đang từng ngày từng giờ xâm nhập vào đất nước ta. Nếu có biện pháp ngăn chặn, chúng ta sẽ tìm ra cách “gạn đục khơi trong”. Việc mở cửa và vận dụng chính sách kinh tế nhiều thành phần là một việc làm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Sự thành công đã được minh chứng bằng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện, củng cố và phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có lúc, có nơi chúng ta còn buông lỏng sự quản lý Nhà nước về văn hóa, nhiều loại sản phẩm văn hóa từ các nước cùng một lúc xâm nhập vào Việt Nam với nhiều hình thức và đặc biệt xâm nhập rất nhanh thông qua mạng internet.
Đáng chú ý, thông qua xa lộ thông tin toàn cầu, hằng ngày, hằng giờ có khá nhiều thông tin độc hại bằng tiếng Việt, công khai xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, quảng bá lối sống sa đọa, tự do buông thả… Mục đích của chúng là làm chuyển hóa nhận thức, suy nghĩ, hành động, đạo đức, lối sống và phong cách sống của thế hệ trẻ - đối tượng thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với mạng internet và một số phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Để kịp thời định hướng và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, xa rời thực tế, đua đòi và lai căng, chúng ta phải nhanh chóng khắc phục sự xuống cấp đến mức báo động về đạo đức của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay. Cái gốc của bản sắc văn hóa là tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Tâm hồn ấy, nhân cách ấy đã được thể hiện qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chúng ta không thể chấp nhận lối sống thiếu văn hóa, phi đạo đức của một số kẻ cố tình quay lưng lại với lịch sử văn hóa của dân tộc. Những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lối sống tự do buông thả... đang làm cho nền tảng đạo đức xã hội xuống cấp.
Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương đúng đắn trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta sẵn sàng mở cửa để đón nhận nền văn minh của nhân loại, trân trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc. Chúng ta cũng làm hết sức mình để đưa niềm tự hào của văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Sự giao lưu ấy đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực và thế giới.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, không ngừng bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa kết hợp với giáo dục nhân cách con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt là việc giáo dục pháp luật nhằm làm cho nhân dân hiểu biết pháp luật và làm theo pháp luật. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra được môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các loại hình văn hóa độc hại, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Trần Bình Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét