Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch

          Trong nhận thức mới của nhân loại, văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội; một hệ thống tổng hoà các giá vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể, tĩnh và động; là hoạt động sáng tạo cả tinh thần lẫn vật chất, chứ không bó hẹp trong hoạt động tinh thần sáng tạo như cách hiểu trước đây.
           Văn hoá thấm sâu và lan toả rộng ra khắp nơi, tác động trực tiếp lên tất cả các hoạt động của con người, trở thành động lực và mục tiêu của mọi hoạt động xã hội cũng như sự phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch.
         Nếu thiên nhiên là cái nôi đầu tiên nuôi sống con người, thì văn hoá là cái nôi thứ hai, trong đó toàn bộ đời sống tinh thần của con người được tạo ra, nuôi dưỡng và phát triển. Bao nhiêu khát vọng được hình thành và thoả mãn, trong đó có khát vọng được đi tìm cái mới, cái khác trong đời sống thường nhật của mình. Nói cách khác văn hóa là nền tảng của du lịch. Mỗi dân tộc có những sự khác nhau trong ăn mặc, nói năng, sinh sống, đi lại, lễ nghi, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng... Cùng một dân tộc, nhưng ở các vùng, miền khác nhau thì tính chất, kết cấu, mô thức văn hoá cũng đã khác nhau. Chính sự khác nhau đó là sự hấp dẫn du lịch, tạo ra các loại hình du lịch. Sự trường tồn của văn hóa, tính tiên tiến và bản sắc văn hóa cùng với sự tồn tại và phát triển của nhân loại sẽ quyết định sự phát triển của du lịch.
      Một nơi muốn trở thành một điểm du lịch thì thuận lợi nhất là phải có tài nguyên du lịch hấp dẫn, được sử dụng để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Đối với phần lớn du khách, chính sự hấp dẫn của điểm du lịch mới là động cơ thúc đẩy họ đi du lịch chứ không phải là tiện nghi của khách sạn hay khu du lịch. Chỉ những điểm du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh, an ninh và chất lượng, mới thu hút được khách du lịch, mới có thể thành công cả trong hiện tại và tương lai, hay nói một cách khác là mới phát triển bền vững được.
         Tài nguyên du lịch tự nhiên của nước ta rất đa dạng, phong phú; vị trí địa lý thuận lợi cho việc đi lại của khách cả  đường bộ, đường không và đường thuỷ là những thế mạnh của Việt nam. Song, tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm nét bản sắc dân tộc của công động 54 dân tộc trên đất Việt, công cuộc đổi mới đất nước thu được nhiều thành tựu, kinh  tế phát triển, chính trị ổn định, đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, muốn làm bạn với tất cả các nước, càng nhân lên sức hấp dẫn du lịch. Trên 4 vạn di tích, trong đó có 4 di sản văn hoá Thế giới, khoảng 3.000 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng (79,3% số di tích xếp hạng quốc gia là phân bố ở Bắc Bộ, 14,4% ở Nam Bộ và 6,3% ở Trung Bộ), khoảng 3.000 làng nghề truyền thống, trên 1.000 lễ hội đang hoạt động, hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, ca múa nhạc dân tộc truyền thống (rối nước, chèo, tuồng cổ, phong tục tập quán...) và nhiều thiết chế văn hóa khác là những nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc của đất nước.
       Du lịch có mối quan hệ mật thiết đối với văn hoá. Văn hoá tạo ra sức hấp dẫn du lịch. Bản thân tài nguyên du lịch nhân văn là sự thể hiện của văn hoá xã hội. Cảnh quan thiên nhiên cũng là sự hấp dẫn du lịch quan trọng khác, tuy do tự nhiên tạo ra ban đầu, nhưng muốn khai thác được phải có sự đầu tư tôn tạo của bàn tay con người. Do đó, cảnh quan thiên nhiên không tách rời khỏi cảnh quan nhân văn, mà phải thống nhất trong hệ thống văn hoá hoàn chỉnh mới có sức hấp dẫn du lịch lâu dài và bền vững. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch là do con người tạo ra nên nó mang tính văn hoá. Cộng đồng dân cư nơi khách đến, nhân viên làm du lịch đều cần phải có trình độ văn hoá nhất định nào đó mới có thể phục vụ được khách du lịch, mới có thể sáng tạo được môi trường du lịch tốt.
       Được “xây” trên nền văn hóa, phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa, nhưng du lịch không thụ động mà có những tác động trở lại văn hóa, phát triển vì mục tiêu văn hóa, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa. Trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, văn hoá xã hội của các vùng, miền, các dân tộc, các khu vực có sự giao lưu, thâm nhập, giao thoa với nhau. Bên cạnh sự giao lưu ngày càng tăng giữa các nền văn hoá trên thế giới nhờ vào sự phát triển của giao thông, thông tin liên lạc, ngoại giao và thương mại, thì hoạt động du lịch thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hoá một cách trực tiếp và nhanh nhất. Bởi lẽ, một mặt nhu cầu du lịch là sự mong muốn được thoả mãn sự tìm hiểu các nền văn hoá khác, thôi thúc con người đi du lịch để giao lưu; mặt khác du lịch là hoạt động thực tiễn của con người, theo nghĩa rộng, nó thuộc về phạm trù văn hoá, là một hoạt động văn hoá mang tính cao cấp, xuất hiện và xếp sau các hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu sống thường nhật của con người.
          Như vậy, du lịch là một hoạt động văn hoá mang tính tổng hợp và xã hội hoá cao. Mọi hoạt động của nó đều theo đuổi hoặc chứa đựng một loại hình, một hình thức văn hoá nào đó. Dù ý thức hoặc vô thức từ phía người làm du lịch, văn hoá đều phải xuyên suốt các mặt hoạt động của du lịch. Các nhu cầu du lịch chủ yếu bao gồm đi lại, ăn uống, lưu trú, mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí đều chứa đựng đặc trưng văn hoá. Trong ăn uống, lưu trú, đi lại, mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt bình thường mà còn là sự khám phá, thưởng thức, trải nghiệm; tham quan và vui chơi giải trí là nhu cầu đặc trưng của chuyến đi du lịch càng thể hiện rõ nét hơn tính văn hoá. Tất cả các dịch vụ và hàng hoá du lịch đáp ứng được các nhu cầu này có giá trị đối với khách du lịch ở chỗ nó thoả mãn được các nhu cầu tìm đến cái mới, cái khác biệt của nơi họ đến du lịch so với nơi ở thường ngày của mình, giúp cho du khách tìm được cái đáp ứng khát vọng hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, ba trụ cột vĩnh hằng của sự phát triển văn hoá nhân loại.
Ai cũng biết rằng, du lịch tuy phải dựa vào kinh tế để có cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt động du lịch và bản thân du lịch cũng là một ngành kinh tế tổng hợp, nhưng nhìn tổng thể và xét cho đến cùng thì du lịch là một hoạt động văn hoá. Tính văn hoá của du lịch, hay nói gọn là văn hoá du lịch, không phải là phép cộng đơn thuần giữa văn hoá với du lịch mà là hình thái văn hoá trong lĩnh vực du lịch, có nội dung xác định. Văn hoá du lịch là một hình thức văn hoá xã hội đặc thù, do hoạt động du lịch sinh ra hoặc liên quan mật thiết với nó. Văn hoá du lịch sẽ phát triển cùng với sự phát triển của du lịch.
       Hoạt động du lịch sẽ góp phần giới thiệu, giá trị nền văn hoá độc đáo của Việt Nam mấy nghìn năm văn hiến thông qua xúc tiến du lịch, tổ chức tạo sản phẩm phục vụ khách và tổ chức các chương trình du lịch. Bằng các ấn phẩm quảng cáo xúc tiến, vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam sẽ được giới thiệu trong và ngoài nước. Trong quá trình hoạt động, ngành Du lịch phải làm cho sản phẩm, dịch vụ của mình chứa đựng ngày càng tăng hàm lượng văn hoá ngay từ xây dựng các công trình du lịch, tổ chức các dịch vụ khách sạn, hướng dẫn, giới thiệu tham quan, vui chơi giải trí và cả trong thái độ phục vụ khách... Như vậy không phải chỉ có ngành Du lịch giới thiệu nền văn hoá Việt Nam với khách, mà các ngành, địa phương và nhân dân nơi khách đến đều phải có trách nhiệm và truyền tải được giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa nước ta đến với du khách quốc tế và đặc trung riêng có của văn hóa mỗi vùng, miền, dân tộc đến với khách du lịch nội địa.
Trong chuyến đi của mình, khách du lịch thường sử dụng các dịch vụ, hàng hoá và thường tiếp xúc với dân cư địa phương. Thông qua giao tiếp đó, văn hoá của cả khách du lịch và của cộng đồng dân cư nơi khách đến được trau dồi và nâng cao. Du lịch tạo khả năng cho con người mở mang, tăng cường sự hiểu biết về lịch sử truyền thống, văn hoá, phong tục tập quán, đạo đức, chế độ xã hội... làm giàu thêm khả năng thẩm mỹ, tôi luyện tình cảm, thoải mái tinh thần khi được tham quan kho tàng văn hoá nghệ thuật của đất nước, một vùng, một địa phương. Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và  nâng cao truyền thống dân tộc. Thông qua chuyến đi du lịch mà con người được làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử, văn hoá dân tộc, qua đó càng thêm yêu đất nước mình; cộng đồng dân cư địa phương cũng thấy được sự hấp dẫn của văn hoá bản địa, nhận thức ngày một sâu sắc việc bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể địa phương mình, góp phần khai thác, bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và xã hội. Du lịch quốc tế có vai trò quan trọng trong giáo dục tinh thần quốc tế, làm cho mọi người thấy cần thiết phải phát triển và củng cố các mối quan hệ quốc tế, làm cho các dân tộc gần gũi nhau hơn, góp phần bình thường hoá quan hệ, giữ gìn, củng cố hoà bình và tăng thêm tình hữu nghị giữa các dân tộc, tăng cường sự hợp tác, hội nhập trên mọi lĩnh vực vì lợi ích phát triển chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét