Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

1. Quan điểm chiến lược
a) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành khác phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại tiến bộ xã hội.
b) Tập trung phát triển du lịch theo hướng hiện đại, có chất lượng, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế.
c) Phát triển du lịch bền vững, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, gắn với an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, khai thác tối ưu lợi thế quốc gia, các nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy mạnh vai trò nòng cốt của doanh nghiệp.
2. Mục tiêu phát triển Du lịch đến năm 2020, 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Việt Nam trở thành điểm đen có  đẳng cấp trong khu vực Năm 2030, đưa Việt Nam thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có  đẳng cấp trên thế giới.
a) Mục tiêu cụ thể
Tăng trưởng khách du lịch đạt 7-8 triệu khách quốc tế và 32-35 triệu lượt khách nội địa năm 2015, năm 2020 thu hút 11-12 triệu khách quốc tế và 45-48 triệu lượt khách du lịch nội địa, đến năm 2030 đạt 19-20 triệu cách quốc tế và 70 triệu lượt khách nội địa.
Thu nhập du lịch là mục tiêu tăng trưởng chính, đạt 10-11 tỷ USD năm 2015, đạt 18-19 tỷ USD năm 2020  và mục tiêu năm 2030 thu nhập du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
GDP du lịch chiếm 5,5-6% GDP toàn quốc năm 2015, đạt mức tăng trưởng 15% năm. Năm 2020 GDP du lịch chiếm 6,5-7% tổng GDP cả nước, mức tăng đạt 12,8% năm.
Năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật ngành đạt 390 nghìn buồng năm 2015, 580 nghìn buồng năm 2020 và khoảng 900 nghìn buồng năng 2030.
3. Các chiến lược thành phân
- Chiến lược phát triển sản phẩm - thu hút thị trường
Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.
Phát triển mạnh du lịch biển với hệ thống sản phẩm cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, Phát triển du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hoá, lối sống địa phương, du lịch làng nghề. Đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá hang động, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường, tập trung khai thác thị trường có khả năng chi trả cao. Thu hút phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Inđônêxia, Thái Lan, Úc); tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu (Nga, Ucraina); mở rộng thị trường mới: Trung Đông, Ấn Độ.
Thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch nội địa có nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan khám phá, kết hợp công việc, tham gia lễ hội, sự kiện.
- Chiến lược phát triển thương hiệu
-Mục tiêu tạo dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam và một số thương hiệu du lịch nổi bật được biết đến rộng rãi trong khu vực và trên thế giới, xây dựng hệ thống tại bài bản các thương hiệu: du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch vùng điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch, các địa danh nổi tiếng.
Chiến lược thương hiệu gắn chặt với chiến lược sản phẩm-thị trường, phát triển du lịch theo vùng và chiến lược xúc tiến quảng bá, được tiến hành bài bản, được Nhà nước, các hiệp hội ngành nghề bảo hộ, tôn vinh và hỗ trợ phát triển.
-Chiến lược xúc tiến quảng bá
Tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hiện đại hóa hoạt động xúc tiến quảng bá, phát huy vai trò chủ đạo của cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia.
Xúc tiến quảng bá theo thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm nội dung trọng tâm. Đầu tư ứng dụng công nghệ cao, khai thác tối ưu công nghệ thông tin truyền thông, phối hợp tốt với đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng bá du lịch. Gắn kết giữa khu vực nhà nước và khối doanh nghiệp trong xúc tiến quảng bá, có cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm hợp lý.
- Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao. Hình thành hệ thống cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch mạnh, tăng cường đào tạo đại học, trên đại học và đào tạo quản lý về du lịch. Khuyến khích đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
- Chiến lược phát triển du lịch theo vùng
Định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên bảy vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, vùng văn hoá, vùng địa lý, khí hậu và các hành lang kinh tế, trong đó có các địa bàn trọng điểm du lịch tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch. Tăng cường khai thác yếu tố tương đồng và bổ trợ trong vùng, yếu tố đặc trưng của vùng và liên kết khai thác sản phẩm có yếu tố liên vùng để phát triển mạnh sản phẩm đặc thù, tạo các thương hiệu du lịch theo vùng. Phát triển một số toại hình du lịch chuyên đề gắn với vùng ưu tiên. Các vùng phát triển du lịch gồm:
* Vùng trung du, miền núi phía Bắc: Bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang gắn với các hành lang kinh tế và các cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc và Thượng Lào
Các địa bàn trọng điểm: TP. Lào Cai - Sa Pa - Phan Xi Păng; TP. Điện Biên Phủ và phụ cận; TP. Lạng Sơn và phụ cận Đền Hùng, vùng ATK.
* Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: Gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Các địa bàn trọng điểm: thủ đô Hà Nội và phụ cận, Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long - Bái Tử Long.
* Vùng bắc Trung Bộ: Gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế gắn với hệ thống cửa khẩu quốc tế với Lào, với du lịch hành lang Đông Tây và hệ thống biển, đảo Bắc Trung Bộ.
Các địa bàn trọng điểm: Huế và phụ cận; Kim Liên - Vinh - Cửa Lò - Cầu Treo.
* Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: gồm các tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với hệ thống biển đảo Nam Trung Bộ.
Các địa bàn trọng điểm: Đà Nẵng - Quảng Nam, Nha Trang - Ninh Chữ, Phan Thiết - Mũi Né.
* Vùng Tây Nguyên: gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng gắn với Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia
Các địa bàn trọng điểm: TP Đà Lạt và phụ cận, TP. Buôn Mê Thuột và phụ cận; Khu vực Bờ Y- TX. Kon Tum - TP. Pleiku.
* Vùng Đông Nam Bộ: gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang du lịch xuyên Á.
Các địa bàn trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh, Vũng Tàu - Côn Đảo.
* Vùng Tây Nam Bộ: Gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ gắn với du lịch tiểu vùng sông Mêkông.
Các địa bàn trọng điểm: Khu vực TP.Cần Thơ và phụ cận; Hà Tiên - Phú Quốc; Khu vực Đồng Tháp Mười.
- Chiến lược đầu tư phát triển du lịch
Tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch.
Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi có tiềm năng du lịch, cho thương hiệu du lịch quốc gia và các thương hiệu du lịch quan trọng, cho xúc tiến quảng bá, cho chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, chuẩn kỹ năng, chuẩn trình độ, nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư cho ngành đào tạo nhân lực bậc cao, nhân lực quản lý, tôn tạo tài nguyên du lịch, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả, quy hoạch phục hồi những công trình kiến trúc có giá trị phát triển các bảo tàng và các công trình văn hoá lớn phục vụ tham quan du lịch.
Đầu tư hình thành, phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm: tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển, các khu nghỉ  dưỡng núi, các khu du lịch tổng hợp, giải trí chuyên đề, kết hợp trung tâm thương mại, mua sắm, hội nghị hội thảo.

1 nhận xét:

  1. Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 được tập trung vào các vấn đề:
    Xây dựng sản phẩm du lịch,
    tuyên truyền quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác và hội nhập quốc tế,
    phát triển tổ chức lãnh thổ về du lịch

    Trả lờiXóa