Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Tôn tạo di tích lịch sử : Cần một khung khổ pháp lý chặt chẽ


Theo www.chinhphu.vn - 2 năm trước
Chinhphu.vn)-Thời gian qua, dư luận đã lên tiếng về các sai phạm trong việc trùng tu các di tích lịch sử văn hoá, trong đó có việc tu bổ, tôn tạo tại một số di tích đã không đảm bảo kỹ thuật, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng. Vấn đề đặt ra là cần có một khung khổ pháp lý chặt chẽ cho công tác này.
 
Tôn tạo di tích lịch sử: Cần một khung khổ pháp lý chặt chẽ
Tượng sư tử đá ở đền Đô (Bắc Ninh) không phù hợp với cảnh quan di tích. Ảnh: Tuổi trẻ Online.
Mới đây, Đoàn Thanh tra Bộ Văn   hoá-Thể thao và Du lịch (BVTTTDL) đã kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử tại  4 tỉnh phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Nam Định.
Các di tích được thanh tra là di tích cấp quốc gia đang trong quá trình tu bổ, sửa chữa và đã được báo chí phản ánh về tình trạng vi phạm các yếu tố gốc làm ảnh hưởng đến kiến trúc nghệ thuật của di tích.
Nhiều vi phạm trong tôn tạo, tu bổ di tích
Theo kết quả đánh giá sơ bộ, các dự án trùng tu thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đều tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hoá, thực hiện tốt quy trình đầu tư, xây dựng và các quy định về tu bổ di tích, kỹ thuật được bảo đảm như đình Đình Bảng, chùa Kim Liên, đình Sùng Văn, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Bổ Đà, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền...
Tuy nhiên, vẫn có tới hơn một nửa trong số 15 di tích được kiểm tra có vi phạm, chủ yếu là ở các dự án thực hiện bằng nguồn vốn địa phương hay nguồn công đức.
Những vi phạm thường thấy là: việc tu bổ không theo đúng quy trình kỹ thuật, thi công không đảm bảo, các yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng. Một số vi phạm còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc nghệ thuật của di tích.
Ở chùa Trăm Gian (Hà Nội), việc trùng tu, tôn tạo được thực hiện trong khi hồ sơ thiết kế chi tiết chưa được Bộ VHTTDL thông qua. Một số hạng mục được làm mới thêm (như tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ, bệ tượng) không đảm bảo yếu tố gốc, đã che toàn bộ những bức phù điêu đất nung quý, tiêu biểu cho nghệ thuật gốm không men của Việt Nam cuối thế kỷ XVI... Do đó phá vỡ bố cục di tích, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan di tích.
Tại đền Và, công tác thi công chưa khoa học, những người thực hiện thi công đã tự động tháo dỡ tường, đưa hai sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc cảnh quan của di tích này.
Việc trùng tu, tôn tạo đền Đô ở Bắc Ninh cũng có những vi phạm tương tự: hai con sư tử bằng đá đặt trước cửa đền, việc treo đèn chùm trong nội tự đền… đã phá vỡ cảnh quan di tích. Tại chùa Dâu, Đoàn kiểm tra phát hiện mái ngói nhà tiền thất đã bị xô, dẫn đến dột cục bộ và 8 hộ dân nằm trong quy hoạch của dự án cũng chưa được giải toả…
Theo ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, nguyên nhân của những vi phạm nói trên chủ yếu là do một số đơn vị thi công chưa có kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích, đặc biệt là các kiến thức về kỹ thuật tu bổ và bảo quản hiện vật, dẫn đến xa rời yếu tố nguyên gốc; hồ sơ không được Cục Di sản văn hoá phê duyệt và thiếu sự kiểm tra, giám sát  thường xuyên của các cơ quan chức năng. Thêm vào đó, người dân địa phương thường có tâm lý thích “hoành tráng", "khang trang”… nên đã đưa một số vật liệu mới vào thi công, đưa các đồ trưng bày hiện đại vào trang trí ảnh hưởng đến tính nguyên bản của di tích.
Việc trùng tu, tôn tạo di tích phải tuân thủ quy trình chuẩn
Mục tiêu đặt ra là phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, trong đó ưu tiên việc giữ gìn, bảo quản các di tích kiến trúc với các mảng chạm khắc nghệ thuật. Thêm vào đó cũng cần chú ý đến sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ. Cuối cùng là nguyện vọng của cộng đồng cư dân đang trông nom gìn giữ di tích cũng cần được tôn trọng, xem xét xử lý.
Nhận xét về quy trình trùng tu, tôn tạo lại di tích hiện nay, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đã nêu  một số bất cập, đó là đơn vị chịu trách nhiệm thi công chưa có kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích lịch sử - văn hoá. Bên cạnh đó, hiện nay, việc tu bổ, tôn tạo và nâng cấp di tích cũng bị “vướng” do một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Chẳng hạn, trong đấu thầu thi công, đơn vị nào đưa  giá thấp nhất sẽ thắng thầu, bất kể việc họ có kinh nghiệm hay không. Vì vậy, Bộ VHTTDL đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá tại kỳ họp thứ 12.
Để từng bước khắc phục các vi phạm, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về quản lý, bảo quản và kỹ thuật trùng tu, tu bổ di tích cho các lãnh đạo cấp quận - huyện của sở chuyên ngành, Chánh Thanh tra và các Trưởng phòng quản lý di tích trong cả nước.
Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất việc ban hành quy trình chuẩn về trùng tu di tích, trong đó có yêu cầu chỉ huy công trình phải là người có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp.
Ngay sau khi có kết quả thanh tra, Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị 73 (ngày19/5) về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng.
Theo Chỉ thị này, các Sở VHTTDL tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn với trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý, tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đúng các qui trình, qui định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích.
Chỉ thị 73 trước mắt, sẽ tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ để các đơn vị liên quan cùng vào cuộc thực hiện kiểm tra giám sát việc trùng tu di tích từ giai đoạn đầu cho tới khi hoàn thiện, tránh những sai sót làm mất đi tính nguyên bản của di tích.
Cần làm rõ khái niệm "Yếu tố gốc cấu thành di tích"
Ngày 2/6, Quốc hội đã cho ý kiến về  dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, trong đó tập trung vào một số nội dung bổ sung khái niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích"; bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích …  
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá sau gần 8 năm thực hiện là việc làm cần thiết, được đông đảo nhân dân và những người làm công tác bảo vệ di sản văn hoá quan tâm, mong đợi và đồng tình. 
Đa số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích", bởi nếu theo định nghĩa trong dự thảo Luật: " Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, được hình thành từ đầu hoặc được bổ sung trong quá trình tu bổ, phục hồi (bổ sung khoản 15 Điều 4) thì không thể gọi là gốc và nếu quan niệm "yếu tố gốc cấu thành di tích" như trên có thể sẽ làm tình trạng vi phạm khi trùng tu di tích tiếp tục tái diễn.
 Đại biểu Quốc hội đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền  Luật Di sản văn hoá trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao trách nhiệm mỗi cá nhân trong tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hoá.
15 di tích đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo:
Hà Nội- (6 di tích): chùa Trăm Gian, đền Và, chùa Bối Khê, đình Mông Phụ, đình Thuỵ Phiêu, chùa Kim Liên.
Bắc Ninh -(4 di tích): đình Đình Bảng, đền Đô, chùa Dâu, đền Rồng.
Bắc Giang -(2 di tích): chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà.
Nam Định -(3 di tích): đình Sùng Văn, chùa Keo, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét